Bấm huyệt chữa cảm cúm

 Trở về trang chủ 

Cách tự xoa bóp chữa bệnh cảm mạo
Cảm mạo (bao gồm cả bệnh cúm) là một bệnh chứng của y học cổ truyền bao hàm các bệnh lý cấp tính thuộc đường hô hấp do virut hoặc vi khuẩn gây nên trong y học hiện đại, đặc biệt là tình trạng viêm long đường hô hấp trên do virut. Những bệnh lý này thường khởi phát đột ngột, bệnh tình nặng nhẹ khác nhau nhưng đều có những triệu chứng chính như sốt, đau đầu, đau mình mẩy, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, hắt hơi, rát họng, sợ lạnh hoặc sợ gió ở các mức độ khác nhau...

Trong y học cổ truyền, cảm mạo thường được chia làm hai thể: cảm mạo phong hàn và cảm mạo phong nhiệt. Trên thực tế lâm sàng, tùy từng thể bệnh khác nhau mà các thầy thuốc lựa chọn những phương pháp điều trị không giống nhau. Tuy nhiên, những biện pháp dân gian như cạo gió, đánh gió, sử dụng nồi xông, ăn cháo giải cảm, xoa bóp, bấm huyệt... vẫn có một giá trị khá quan trọng và nếu được kết hợp với các biện pháp khác của cả Đông y và Tây y thì hiệu quả trị liệu chắc chắn sẽ nhanh chóng và chắc chắn hơn nhiều. Dưới đây xin giới thiệu một quy trình tự xoa bóp giải cảm để độc giả có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Chọn tư thế nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế tựa nhưng tốt nhất là tư thế nửa nằm nửa ngồi, thả lỏng cơ thể, thở nhẹ đều và sâu, tư tưởng tập trung vào các huyệt vị được xoa bóp.

Dùng ngón giữa của cả hai bàn tay đặt chụm giữa trán rồi miết tỏa ra hai bên thái dương, làm sát lông mày trước rồi chuyển dần lên cho đến chân tóc trước trán rồi ngược lại, làm 10 lần như vậy. Tiếp đó, dùng ngón trỏ và ngón cái véo từ đầu lông mày tới đuôi lông mày mỗi bên 5 lần.



Day ấn huyệt thái dương: dùng ngón tay giữa day ấn đồng thời hai huyệt thái dương từ nhẹ đến nặng trong 2 phút sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Vị trí huyệt thái dương: ở đuôi mắt đo ra sau 1 thốn.

Day ấn huyệt nghinh hương: dùng ngón tay giữa hoặc ngón tay trỏ day ấn đồng thời hai huyệt nghinh hương trong 1 phút, sao cho đạt cảm giác căng tức cả hai cánh mũi và gò má là được. Vị trí huyệt nghinh hương: từ chân cánh mũi ngang ra, huyệt ở trên rãnh mũi mép.
ấn huyệt phong trì chữa cảm mạo
Day huyệt phong trì chữa cảm mạo

Xát gáy và day ấn huyệt phong trì: dùng các ngón tay của cả hai bàn tay đan lại với nhau ôm sau gáy rồi kéo qua kéo lại 10 lần. Tiếp đó, dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời cả hai huyệt phong trì trong 1 phút với một lực tương đối mạnh, sao cho đạt cảm giác căng tức cả vùng gáy và nửa đầu sau là được. Vị trí huyệt phong trì: ở chỗ lõm dưới xương chẩm, bên ngoài khối cơ nổi sau cổ, khi ấn có cảm giác tức nặng, mỗi bên một huyệt.

Day ấn huyệt kiên tỉnh: dùng ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa day ấn huyệt kiên tỉnh trong 1 phút, sao cho đạt cảm giác tức nặng cả hai vai và lan lên cổ là được. Vị trí huyệt kiên tỉnh: cúi cổ để xác định hai đốt xương gồ cao nhất ở cổ (C7 và D1), huyệt nằm ở điểm giữa đường thẳng nối khe của hai đốt xương này với mỏm cùng vai.
Day ấn huyệt khúc trì: dùng ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa day ấn huyệt khúc trì với một lực tương đối mạnh trong 1 phút, sao cho đạt cảm giác căng tức lan xuống bàn tay là được. Vị trí huyệt khúc trì: gập cẳng tay vào cánh tay, bàn tay để phía trên ngực cho nổi rõ nếp gấp khuỷu, đánh dấu đầu ngoài nếp gấp khuỷu để xác định vị trí huyệt rồi đặt tay lại cho cẳng tay vuông góc với cánh tay để day bấm.
Day ấn huyệt hợp cốc: dùng ngón tay cái hoặc ngón tay trỏ day ấn huyệt hợp cốc từng bên, mỗi bên 1 phút sao cho đạt cảm giác căng tức lan sang ngón tay út là được. Vị trí huyệt hợp cốc: ở chỗ lõm giữa hai xương bàn tay thứ nhất và thứ hai (ngón cái và ngón trỏ), dùng ngón tay cái ấn men theo bờ xương bàn tay thứ hai tìm điểm khi ấn có cảm giác đau tức nhất và lan sang ngón tay út thì đó là vị trí của huyệt. Cũng có thể xác định bằng cách: xòe rộng ngón tay cái và ngón tay trỏ, lấy nếp gấp giữa đốt 1 và đốt 2 của ngón tay cái bên kia để vào hố khẩu tay này, đặt áp đầu ngón tay cái lên mu bàn tay, giữa 2 xương bàn tay 1 và 2, đầu ngón cái ở đâu chỗ đó là huyệt.


Quy trình trên có thể làm từ 1 - 2 lần trong ngày, cường độ day bấm phải tương đối mạnh, tiến hành càng sớm thì hiệu quả càng cao. Sau khi làm thủ thuật, cơ thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và dễ chịu, nếu có mồ hôi thì dùng khăn khô lau sạch, ăn cháo hành, tía tô nóng có đập 1 quả trứng gà rồi nằm nghỉ nơi kín gió là được.

ThS. Hoàng Khánh Toàn


10 huyệt vị trị cảm cúm
SKĐS - Hiện nay, dịch cúm nói chung đang đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó ở Việt Nam, nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1 là rất cao. Làm gì để phòng chống cảm cúm nói chung hay dịch cúm A/H5N1?


Hiện nay, dịch cúm nói chung đang đe dọa nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó ở Việt Nam, nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1 là rất cao. Làm gì để phòng chống cảm cúm nói chung hay dịch cúm A/H5N1? Ngoài việc tiêm phòng vaccin, dùng thuốc tân dược, xin giới thiệu với bạn đọc một phương pháp xoa bóp bấm huyệt phòng bệnh để bạn đọc tham khảo khi cần thiết.





Huyệt nghinh hương.

Khi bị chứng bệnh này, bệnh nhân chủ yếu có các biểu hiện ở vùng đầu mặt cổ nên ta có thể tự ngồi trước gương chọn tư thế phù hợp lần lượt làm các động tác sau đây:

Miết dọc sống mũi: Bệnh nhân ngồi ngay ngắn xoa tay cho ấm, dùng hai ngón tay trỏ miết nhẹ từ huyệt toản trúc (huyệt ở đầu cung lông mày) xuống cánh mũi 20 – 30 lần với mục đích tăng lượng nhiệt cho cánh mũi nhằm lưu thông khí huyết, kích thích niêm mạc mũi tiết dịch bảo vệ cửa ngõ hô hấp của cơ thể.





Huyệt phong trì.

Day ấn huyệt nghinh hương: Dùng ngón tay giữa hoặc ngón tay trỏ day ấn đồng thời hai huyệt nghinh hương trong 1 phút sao cho đạt cảm giác căng tức cả hai cánh mũi và gò má là được. Vị trí huyệt nghinh hương: từ chân cánh mũi ngang ra, huyệt ở trên rãnh mũi mép.
Xát gáy và day ấn huyệt phong trì: úp hai lòng bàn tay ra sau gáy lần lượt xát qua lại từ chẩm đến hết cổ gáy cho tới khi ấm nóng là được với mục đích khu phong tán hàn. Tiếp đó, dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời cả hai huyệt phong trì trong 1 phút với một lực tương đối mạnh sao cho đạt cảm giác căng tức cả vùng gáy và nửa đầu sau là được. Vị trí huyệt phong trì: ở chỗ lõm dưới xương chẩm, bên ngoài khối cơ nổi sau cổ, khi ấn có cảm giác tức nặng, mỗi bên một huyệt.





Miết dọc sống mũi.

Dùng cả bàn tay chụm giữa trán (ở huyệt ấn đường) rồi miết tỏa hai bên thái dương sát lông mày và chân tóc trước trán rồi ngược lại, làm 10 - 20 lần như vậy.
Day ấn huyệt thái dương: Dùng ngón tay giữa day ấn đồng thời hai huyệt thái dương từ nhẹ đến nặng trong 2 phút sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Vị trí huyệt thái dương: ở đuôi mắt đo ra sau 1 thốn.
Day bấm huyệt bách hội: Dùng ngón tay trỏ day nhẹ nhàng huyệt bách hội với lực thấm sâu, từ 1 - 3 phút với mục đích tăng phần dương khí tán hàn, hoạt huyết khu phong trị đau đầu. Vị trí điểm giao nhau của đường chính giữa cơ thể và đường nối điểm cao nhất của hai vành tai.
Day ấn huyệt khúc trì: Dùng ngón tay nhỏ hoặc ngón tay giữa day ấn huyệt khúc trì với một lực tương đối mạnh trong 1 phút sao cho đạt cảm giác căng tức lan xuống bàn tay là được. Vị trí huyệt khúc trì: gập cẳng tay vào cánh tay, bàn tay để phía trên ngực cho nổi rõ nếp gấp khuỷu, đánh dấu đầu ngoài nếp gấp khuỷu để xác định vị trí huyệt rồi đặt tay lại cho cẳng tay vuông góc với cánh tay để day bấm.
Day ấn huyệt hợp cốc: Dùng ngón tay cái day ấn huyệt hợp cốc từng bên, mỗi bên 1 – 2 phút sao cho đạt cảm giác căng tức lan sang ngón tay út là được. Vị trí huyệt hợp cốc: ở chỗ lõm giữa hai xương ngón tay thứ nhất và thứ hai (ngón cái và ngón trỏ), dùng ngón tay cái ấn men theo bờ xương bàn tay thứ hai tìm điểm khi ấn có cảm giác đau tức nhất và lan sang ngón tay út thì đó là vị trí của huyệt.
Xoa sát huyệt thận du và mệnh môn: Người bệnh ngồi ngay ngắn, úp hai lòng bàn tay vào huyệt thận du và mệnh môn. Xoa xát nhiều lần với lực đối kháng sao cho thắt lưng ấm nóng lên là được. Vị trí: Gióng ngang xương sườn cụt ra sau, dưới gai sống thắt lưng 2, đo ngang ra 1, 5 thốn, ở giữa là huyệt mệnh môn.

Vuốt mũi.
Day bấm huyệt thái xung: Dùng ngón tay trỏ hay giữa day nhiều lần nhiều thái xung đạt tới căng tức là được. Với mục đích thanh nhiệt, hạ sốt tiêu viêm... Vị trí sau khe giữa ngón chân 1 và 2, đo lên 1, 5 thốn, huyệt ở chỗ lõm tạo nên bởi 2 đầu xương ngón chân 1 và 2.
Chú ý: Để đạt hiệu quả phòng và trị bệnh, cần can thiệp sớm, thao tác nhẹ nhàng, chậm rãi thấm sâu, không làm qua loa đại khái, kiên trì làm hằng ngày. Sau xoa bóp có thể kết hợp ăn bát cháo hành (cả rễ), tía tô nóng rồi nằm nghỉ nơi kín gió để nâng cao hiệu quả. Trong khẩu phần ăn hằng ngày có thể thêm các thức ăn, gia vị có tính chất cay, nóng, có tinh dầu có tinh chất sát khuẩn như: gừng, tỏi, sả, bạc hà... Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9%. Tốt nhất là nước tỏi sống pha loãng.
Lương y Chu Văn Tiến


Xoa huyệt đạo chữa cảm mạo, nhức đầu

Những người bị các chứng nhức đầu do căng thẳng tâm lý, suy nhược thần kinh… cũng có thể tự thực hiện phương pháp chữa bệnh đông y này.
Khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu, phong hàn xâm nhập, dễ gây nên cảm mạo. Cảm mạo xâm phạm vào phần biểu của cơ thể thường gây ra các chứng hắt hơi, sổ mũi, sợ gió, sợ lạnh, nhức đầu, đau mình.

Nguyên tắc đối trị cảm mạo
Chủ yếu là làm việc nhẹ, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ chất, nhất là những thực phẩm góp phần tăng sức miễn dịch của cơ thể như xúp gà, tỏi, gừng, hành, hải sản, các loại rau quả sậm màu, màu đỏ, vàng, tím.
Ngoài ra, trong đông y còn có những phương huyệt toàn thân với những cách châm cứu hoặc day bấm. Hầu hết các phương pháp phải do thầy thuốc thực hành tuy nhiên người bệnh cũng có thể tự tác động vào một số huyệt vị trên vùng đầu, mặt để làm nhẹ đi các triệu chứng hoặc rút ngắn thời gian bệnh.
Việc phòng chống cảm nhiễm về lâu dài cần dựa vào chế độ ăn uống đủ chất bổ dưỡng và năng vận động. Những người có cơ địa hư hàn, dương khí suy, hay sợ gió, sợ lạnh thường dễ bị cảm mạo tái đi tái lại. Những trường hợp này có thể dùng thêm những phương dược bổ tỳ thận dương hoặc kiện tỳ ích khí của đông y để tăng sức đề kháng.
Cách “điểm huyệt”… cơn đau
Những liều thuốc cảm hoặc những cách day ấn hoặc xoa dầu có thể giúp người bệnh giảm nhẹ các triệu chứng và dễ vượt qua cảm cúm, nhức đầu. Cách đơn giản nhất để người bệnh tự chữa cho mình khi bị bệnh là xoa dầu nóng vào vùng huyệt. Phương pháp này không đòi hỏi những cách day bấm phức tạp, chỉ cần một lọ dầu cù là hoặc dầu nóng.
Dùng đầu ngón tay chạm vào dầu và xoa nhẹ vài vòng vào từng huyệt một, sau huyệt này đến huyệt khác, không cần để ý thứ tự trước sau giữa các huyệt. Phương huyệt bao gồm những huyệt vị dễ xác định, chủ yếu là những chỗ lõm dễ nhận thấy trên vùng đầu, mặt như chỗ lõm ở phía sau dái tai (ế phong), sau gáy (phong trì và phong phủ), chỗ sũng cuối chân mày (thái dương), chỗ lõm bên cạnh chân cánh mũi (nghênh hương) hoặc dưới môi dưới (thừa tương). Các huyệt này đều có tác dụng sơ phong thông lạc, giảm đau, chống khí nghịch, cải thiện lưu thông khí huyết ra ngoại biên để tăng sức đề kháng.
Phương pháp này cũng dùng chữa các chứng nhức đầu do căng thẳng tâm lý, do suy nhược thần kinh hoặc do rối loạn nội tiết, rối loạn vận mạch sau mãn kinh. Xoa dầu vào những huyệt được chỉ định cũng giúp những người có cơ địa thần kinh mẫn cảm với những thay đổi của thời tiết dễ vượt qua những thời điểm có áp thấp nhiệt đới hoặc những trận bão từ.

Theo Lương y Võ Hà Sài Gòn tiếp thị